(VietKings.Values) Hành trình quảng bá Kỷ lục Việt Nam (P.133) NSƯT, Nhạc sĩ, Kỷ lục gia Thế Hiển: Người viết nhật ký bằng âm nhạc

20-08-2018

Gần 40 năm sáng tác, Nhạc sĩ – kỷ lục gia Thế Hiển đã viết trên 200 ca khúc đủ các thể loại, từ: Thiếu nhi, Tình ca đôi lứa, Tình ca quê hương, Tâm ca đường phố, Hùng ca, Tráng ca, Thương hiệu ca… Đi đâu, đến đâu anh cũng viết miệt mài, và rồi… Tất cả các ca khúc của anh đều được khán giả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi hân hoan đón nhận. Năm 2012, anh được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú và năm 2016, anh được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng III…

Là một nhạc sĩ xuất thân từ phong trào văn nghệ quần chúng được đông đảo khán giả yêu mến, hâm mộ… Người ta biết đến anh với các khúc măng non như: Tóc em đuôi gà, Nhong nhong nhong…hay với những bài hát giai điệu hùng tráng về người lính: Hát về anh, Nhánh lan rừng…hoặc những bài tình ca nồng nàn say đắm: Hoàng hôn màu tím, Người mẹ và hoa sứ trắng…
Anh viết nhiều thể loại âm nhạc mà ở thể loại nào cũng có những ca khúc hay, đi vào lòng người, ẩn sâu trong tâm hồn người nghe để rồi khi có dịp, các ca khúc ấy lại được ngay chính người nghe hát lên một cách say sưa, thích thú. Năm 2015, trong chương trình hát Mừng kỷ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22 Tháng 12 tại Trường Sĩ quan Lục quân II (Đồng Nai), nhạc sĩ Thế Hiển đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: "Nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Lực lượng vũ trang và Thanh niên xung phong, biểu diễn phục vụ tại các đơn vị Bộ đội và Thanh niên xung phong có số lượng nhiều nhất”.

 

 

 


Chúng tôi lại một lần nữa có cuộc tiếp xúc, trao đổi với người nhạc sĩ đa tài với những ca khúc không thể nào quên: Hát về Anh, Tóc em đuôi gà…


Xin nhạc sĩ cho biết cơ duyên đến với việc sáng tác ca khúc?
NSƯT-NS-KLG Thế Hiển: Việc sáng tác ca khúc thì đến năm 1982 tôi mới bắt đầu. Tác phẩm đầu tay của tôi là Khi bong bóng bay. Cũng nhờ là ca sĩ nên khi tôi trình diễn bài này đã nhận được nhiều sự khích lệ, động viên của khán giả mọi nơi.
Sau đó tôi vừa tiếp tục đi hát cho Đoàn, vừa sáng tác ca khúc. Đó là các ca khúc dành cho phong trào, các bản tình ca quê hương, tình ca đôi lứa… cứ đều đặn ra đời và được khán giả đón nhận nồng nhiệt… Đặc biệt là những ca khúc viết về Người lính, lúc tôi đi thực tế các chương trình biểu diễn phục vụ chiến sĩ trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Bắc và biên giới Tây Nam.


Ca khúc của anh dành cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi… điều đó có đúng không?


NSƯT-NS-KLG Thế Hiển: Người ta thường nói vậy, và tôi cũng nghĩ vậy vì khi viết ca khúc là lúc tâm hồn tôi dâng trào cảm xúc, khi đứng trước các em thiếu nhi thì lòng mình như trẻ thơ, các em thiếu nhi thật vô tư, dễ thương… cho nên giai điệu và ca từ ca khúc của tôi cũng gần như thế. Còn khi viết về Người lính thì tôi như đang chiến đấu cùng họ, chính những người lính xông pha ngoài mặt trận đã “truyền lửa” cho tôi để những ca khúc của tôi có giai điệu thật hào hùng và tình cảm chân thật, chất phác của anh Bộ đội Cụ Hồ đã giúp cho giai điệu những ca khúc viết về các anh của tôi cũng nồng nàn, ấm áp… Cứ mỗi chuyến đi xa chính là lúc tôi tạo được những cảm xúc, giúp tôi có cái nhìn thực với cuộc sống hiện tại, không chỉ để phục vụ công tác mà đó còn là nơi tôi cảm thụ và sáng tác để cho ra những tác phẩm của mình. Theo tôi, tác phẩm văn học, thơ ca hay âm nhạc-phải-mang-hơi-thở-cuộc sống. Phải coi những ca khúc của mình là những đứa con tinh thần cần được nuôi dưỡng và vun đắp. Đáp lại tình yêu âm nhạc và sự cống hiến của tôi thì những ca khúc ấy đã đi cùng năm tháng và được đông đảo khán giả đón nhận.

 

 

 


Gần đây, có gì đặc biệt về các ca khúc viết về Người lính của nhạc sĩ?


NSƯT-NS-KLG Thế Hiển: Nói về những ca khúc viết về Người lính, đây là một trong những đề tài tỏa sáng mà tôi đã ấp ủ, lựa chọn từ lâu và vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi tìm cái hay, cái đẹp, sự hy sinh gian khổ của người lính trong thời chiến tranh và thơi bình, chẳng hạn như những người lính Hải quân Việt Nam đang bảo vệ chủ quyền đất nước ở các Đảo xa, hoặc các Nhà giàn giữa biển khơi…
Năm ngoái, trong chương trình Giai điệu tự hào của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), ca khúc Hát về anh của tôi viết về những người chiến sĩ biên giới năm xưa đã được bình chọn đưa vào Gala phát sóng vào Mùng 1 Tết Đinh Dậu - 2017.

 

 

 


Theo nhạc sĩ, âm nhạc và công chúng cần có sự liên hệ chặt chẽ như thế nào?


NSƯT-NS-KLG Thế Hiển: Theo tôi, âm nhạc luôn đồng hành cùng cuộc sống và trong mỗi chặng đường của con người. Chính âm nhạc đã giúp tôi đến gần hơn với công chúng qua mỗi tác phẩm của mình, nhất là với đề tài Người lính. Ca từ và giai điệu của bài hát là những lời tâm tình, sự vui mừng, hay cả nỗi nhớ nhung…của người chiến sĩ nơi chiến trường xa…(trầm tư…)


Nhạc sĩ là người rất “có duyên” với Trường Sa, xin hãy cho biết những kỷ niệm buồn vui trong những chuyến đi dài ngày ở quần đảo xa nhất đất liền này?


NSƯT-NS-KLG Thế Hiển: Vâng, đúng như vậy! Vào tháng 4 năm 2015, tôi lại có dịp ra thăm Trường Sa. Đây là lần thứ 3 tôi đến với Trường Sa thân yêu, đến với các đảo chìm, đảo nổi và nhà giàn DK trong Đòan công tác số 12, trên con tàu HQ561 của quân chủng Hải quân.Tàu khởi hành từ cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh và hải trình đến đảo đầu tiên là đảo Trường Sa Lớn. Sau 2 ngày và 2 đêm lênh đênh trên sóng nước biển Đông, Đoàn công tác số 12 đã đến Trường Sa Lớn để dự lễ khởi công nâng cấp bệnh xá Trường Sa, đồng thời thăm hỏi, tặng quà cho các anh em chiến sĩ Bộ đội Trường Sa cùng bà con nhân dân đang sinh sống trên đảo. Mỗi một chuyến đi đều là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời ca hát và sáng tác của tôi. Tôi có cảm giác gặp lại những gương mặt và nụ cười thân quen của những con người ngày đêm bám trụ biển đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam chúng ta, đồng thời cho tôi nhiều năng lượng và cảm xúc để tiếp tục sáng tác, cho tôi tìm được những hình ảnh hiện thực và tình yêu đất nước để gởi vào những tác phẩm âm nhạc về biển đảo đầy chất liệu hào hùng, sống động và rất chân thành của mình. Đến với Trường Sa, tôi đã ôm đàn ca hát và cùng hòa mình với các anh em chiến sĩ Hải quân trong những chương trình sinh họat giao lưu nồng ấm tình đất liền và biển đảo thân yêu.

 

 

 

Nhạc sĩ Thế Hiển trong lần thứ 6 ra quần đảo Trường Sa (năm 2018)


Vậy là anh đã 3 lần ra Trường Sa, hãy cho biết cảm tưởng khi lần đầu tiên được đặt chân lên đảo và, có hay không thêm một lần nữa?


- NSƯT-NS-KLG Thế Hiển: Lần đầu tiên tôi đến Trường Sa là vào khoảng tháng 4 năm 2012, trong chuyến đi của Đòan công tác Văn nghệ sĩ TPHCM ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Đòan công tác do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức. Chuyến đi mất 11 ngày và hải trình do con tàu HQ936 của quân chủng Hải quân đảm nhiệm. Điểm đến đầu tiên của Đoàn chúng tôi là đảo nổi Song Tử Tây . Các chiến sĩ ở đây sống chan hòa cùng bà con nhân dân trên đảo, họ ngày đêm canh giữ biển trời và thềm lục địa của tổ quốc. Trong chuyến đi lần ấy, nhiều chương trình tham quan, thăm viếng, giao lưu về bóng chuyền và văn nghệ diễn ra thật sôi nổi suốt ngày, đến tận khuya vẫn chưa muốn về. Điều kiện sinh hoạt ăn ở tuy thiếu thốn so với đất liền nhưng tình cảm của các chiến sĩ dành cho Đoàn thật ấm áp, đậm đà khó quên. Anh em chiến sĩ còn nhường giường ngủ của mình cho Đòan công tác, họ giăng võng ngủ dưới những hàng cây. Đã có nhiều bài thơ, bài nhạc và những bức ảnh sinh họat trên đảo do các nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia... kịp thời ghi nhận. Tất cả đều thấm đậm tình quân dân.


Chuyến đi Trường Sa hai lần sau vào năm 2013 và 2015. Những lần như vậy, tôi lại có dịp thăm lại một số đảo chìm, đảo nổi để thấy điều kiện ăn ở, sinh họat của anh em chiến sĩ Hải quân được cải thiện, nâng cao rất nhiều. Nhờ các chương trình:Góp đá Trường Sa của báo Tuổi Trẻ, vận động xây dựng trường học, Quỹ Vừ A Dính của báo Pháp Luật cũng như sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, các cơ quan, đòan thể cùng nhân dân cả nước đã phần nào chia sẻ những khó khăn, gian khó của Bộ đội Trường Sa và nhân dân trên đảo để họ yên tâm sinh sống, với quyết tâm sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Tháng 5/2017 và tháng 5/2018 tôi lại có dịp “quá cảnh” ra Trường Sa (cười..). Cứ mỗi lần đến với Trường Sa, khi về tôi lại có ít nhất một ca khúc.

 

 

Nhạc sĩ - ca sĩ Thế Hiển hát trong chương trình kỷ niệm 5 năm Ngày đến với Trường Sa

 

Nhạc sĩ - ca sĩ Thế Hiển hát trong chương trình kỷ niệm 5 năm Ngày đến với Trường Sa

 

Nhạc sĩ có đang ấp ủ ghi thêm một Kỷ lục mới của Việt Nam?


NSƯT-NS-KLG Thế Hiển: Hiện tôi đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký kỷ lục Việt Nam: “Nhạc sĩ viết ca khúc về các Thương hiệu nổi tiếng nhiều nhất”. Gần 20 năm viết Thương hiệu ca, hiện nay tôi đã có khoảng 80 ca khúc viết về các Thương hiệu nổi tiếng như: Vượt lên chính mình (Chương trình Vượt lên chính mình – Đài TH TP.HCM), Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa), Bia Sài Gòn, Happy Cook…


Chân thành cảm ơn Nhạc sĩ! Chúc nhạc sĩ luôn khỏe mạnh, yêu đời…để tiếp tục cống hiến những tác phẩm âm nhạc thật hay, thật tuyệt vời để dành tặng khán giả cả nước.

 

Nghệ sĩ Ưu tú, Nhạc sĩ, Kỷ lục gia Thế Hiển tên đầy đủ của tôi là Lại Thế Hiển. Ông sinh năm 1955 tại Sài Gòn nhưng quê gốc ở Nam Định.

Năm1974, ông học Đại học Luật khoa Sài Gòn.

Năm 1976, ông thi vào Nhạc viện -  TP.HCM học khóa Trung cấp thanh nhạc. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành ca sĩ đơn ca chính của Đoàn nghệ thuật Ca múa nhạc Bông Sen…
Năm 2012, ông được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú.

Năm 2013, ông được xác lập Kỷ lục Việt Nam: Nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Lực lượng vũ trang và Thanh niên xung phong, biểu diễn phục vụ tại các đơn vị bộ đội và Thanh niên xung phong có số lượng nhiều nhất

Năm 2016, ông được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng III.


                       
 


Theo Trương Như Bá – Kyluc.vn


 

content 1 mobi
content1
content 2 mobi
content 2
ct3
ct4
ct5
ct6
ct7
ct8
ct9
ct10
ct11
ct12
ct13
ct14