[VIETKINGS-TOPPLUS đề cử] TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 (P.11): Làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) – Nơi gửi hồn dân tộc trên giấy điệp

15-04-2023

(kyluc-top) – Nằm bên bờ Nam sông Đuống, cách Hà Nội khoảng 35km, làng tranh Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây được coi là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ và in trên loại giấy điệp được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và sưu tầm.

Tranh Đông Hồ là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt. Cứ bóc tách từng lớp lang văn hóa hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hóa Việt thuần khiết và trong sáng tới chừng nào.

 

 

 

 

Đông Hồ xưa là ngôi làng Việt cổ nằm ở bờ Nam sông Đuống có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi “Nhất cận thị, nhị cận giang” nên từ xa xưa Đông Hồ đã là vùng quê trù phú với hệ thống giao thông đường sông thuận tiện, kết nối với nhiều vùng miền trong cả nước. Đó là lợi thế lớn để dòng tranh khắc gỗ dân gian của làng “đi” khắp cả nước. Với cách vẽ, nguyên liệu màu và giấy vẽ độc đáo, đậm hồn dân tộc, tranh Đông Hồ có sự gắn bó mật thiết với văn hóa Việt Nam qua nhiều thế kỷ, là một phần không thể thiếu trong các dịp lễ tết, hội hè hay trong đời sống thường nhật của người Việt. Chính điều đó làm nên sức sống lâu bền cho tranh Đông Hồ.    

 

 

 

 

Theo các nhà nghiên cứu, tranh Đông Hồ bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XV - XVI. Nhưng thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1944. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, người kế nghiệp cha là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhớ lại: “Bố tôi kể rằng, khi ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp. Làng tranh nhộn nhịp nhất với chợ tranh giữa những ngày tháng Chạp. Bà con và du khách thập phương đổ về tấp nập mua tranh treo Tết, thăm thú. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nghề tranh bắt đầu bị gián đoạn...”.

Theo nhiều tài liệu viết lại, lúc đó khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp và người ta vừa làm tranh vừa sống trong không khí lễ hội. Có lẽ vì thế, tính cách đình đám ảnh hưởng rất lớn vào tranh Đông Hồ, những nét viền mạnh mẽ hòa cùng bố cục cứng cáp cũng như màu sắc rực rỡ chân quê khiến người xem bị thuyết phục vì tính chất quần cư lộ rõ trên từng chủ đề một.

 

 

 

 

Tranh Đông Hồ được in trên giấy Dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây Dó mọc trên rừng . Cây Dó đem về cho vào cối giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó dùng bột này chế biến thành giấy Dó. Do trên nền giấy thường được quét bằng một lớp hồ hoặc nhựa thông có pha loại bột từ vỏ sò Điệp giã nhỏ tạo màu sáng lấp lánh nên còn được gọi là giấy Điệp. Tranh Đông Hồ thường chỉ có 4 -5 màu chính: đen, xanh, chàm, đỏ, vàng và được lấy từ các nguyên liệu tự nhiên chứ không phải màu hóa chất vì vậy những sắc màu vừa tươi vừa có độ bền màu cao: màu đỏ là những hòn son hay bột gạch ở trên núi dã nhỏ ra; màu đen ngày xưa được làm bằng lá tre đốt lên, bây giờ thì lấy rơm nếp đốt cháy sau đó lấy tro quấy với hồ keo để làm nên màu; màu vàng thì nấu cây hoa hòe ra để lấy nước và cô lại với hồ keo; màu xanh thì lấy từ những cây thân mềm. 

 

 

 

 

Tranh Đông Hồ có đến 180 chủ đề, đề tài được phân thành 5 loại chủ đề: tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và tranh bộ theo tích truyện. Đề tài của tranh được lấy từ chính đời sống, sinh hoạt sản xuất của người nông dân hay xuất phát từ triết lý phồn thực nhưng bình dị và gần gũi với sinh hoạt đời thường. Nội dung của tranh có thể là những nhân vật trong truyền thuyết, những cảnh đẹp của đất nước, đến những bức tranh với mong muốn cuộc sống hạnh phúc, ấm no, mùa màng bội thu, chăn nuôi hiệu quả: Ông Nguyễn Hữu Sam cho biết: “Tranh Đông hồ có ý nghĩa chúc tụng, phản ánh đời thường như: chăn nuôi gà lợn tốt, điều mà người nông dân mong đợi. Có thể là những tranh như:”tiến tài tiến lộc, phú quí vinh hoa”… 

 

 

 

 

Tranh làng Ðông Hồ được tạo từ các bản khắc để in vì thế một bức tranh đẹp thì người vẽ bản mẫu và người khắc lên bản khắc phải đạt đến độ tinh xảo. Một bản khắc gỗ để tạo nét chính, cho ra khung hình chính của bức tranh và bức tranh đó có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu bản màu. Công đoạn in tranh cũng đòi hỏi người thợ phải chính xác và dùng đúng bản in cũng như màu sắc của bản vẻ. Chính vì thế, những bản khắc này được các gia đình gìn giữ hàng trăm năm qua như những báu vật. Bản khắc để in tranh Đồng Hồ được làm bằng gỗ cây thị, vì thế khó hư hỏng, mối mọt. 

 

 

 

 

Năm 1967, trước nguy cơ dân làng bỏ nghề làm tranh ngày càng nhiều, chính quyền địa phương khi ấy đã giao cho nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đứng ra tập hợp 50 nghệ nhân có tâm huyết và tay nghề cao, thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Nhờ đó, tranh Đông Hồ được hồi sinh và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Pháp, Đức, Singapore, Mỹ. 

Thăm làng tranh Đông Hồ ngày nay, du khách có thể tham quan cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam cùng con cháu. Đây là hai gia đình kỳ cựu nhất ở làng tranh, họ vẫn giữ được nghề cổ truyền cùng hàng trăm bản khắc cổ quý giá, trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn của du lịch Bắc Ninh. Trong các gian nhà xây theo kiến trúc xưa, được treo đầy tranh dân gian với nhiều thể loại khác nhau, từ sinh hoạt đời thường tới tranh lịch sử, phong cảnh... ngập tràn màu sắc tươi trong. Tại đây, du khách còn được nghe giới thiệu về những giá trị văn hóa đặc sắc của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, và có thể trải nghiệm tự tay in tranh, cũng như mua sắm những bức tranh ưng ý.

 

 

 

 

 

 

Cùng với những cơ chế chính sách hỗ trợ, những hoạt động xúc tiến du lịch và thương mại của tỉnh Bắc Ninh, giờ đây làng Đông Hồ không chỉ sáng tạo những bức tranh truyền thống và hiện đại, mà còn trở thành “bảo tàng” sinh động phục vụ du khách bốn phương. Những nỗ lực của các nghệ nhân tâm huyết với nghề làm tranh Đông Hồ đã và đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá văn hóa đặc sắc trong xu thế mới.

Sau nhiều thế kỷ, tranh Đông Hồ đã trải qua nhiều giai đọan thăng trầm khác nhau, thế nhưng giá trị văn hóa và cái hồn, cái cốt trong từng bức tranh vẫn được các nghệ nhân trong làng gìn giữ như một trong những di sản văn hóa đáng tự hào của vùng Kinh Bắc xưa.

-----------------------------------------------------------------------

Hành trình tìm kiếm và đề cử TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai từ đầu tháng 4/2023 dưới tiêu chí và góc nhìn của Ban quản lý hành trình Top. Đây là tiền đề cơ sở để Trung tâm Top Việt nam tìm kiếm và vinh danh 100 điểm đến hấp dẫn nhất của 63 tỉnh thành Việt Nam năm 2023. Ngoài ra, Ban quản lý hành trình cùng mong muốn nhận thêm được nhiều đề cử từ các sở ban ngành địa phương trên cả nước để có thể chọn lựa những điểm đến đặc sắc nhất của khắp mọi miền tổ quốc. Từ đó  tăng cường xúc tiến du lịch, góp phần quảng bá các điểm đến của các địa phương. 

Mỗi tuần, các bài đề cử sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống các trang truyền thông chính thức của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings như: kyluc.vn; topplus.vn; bestplus.vn;... Ban quản lý hành trình rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi của bạn đọc trong và ngoài nước nhằm tiếp tục quảng bá và tôn vinh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Mọi thông tin phản hồi xin gửi về Ban quản lý hành trình qua email: . Thời gian nhận thông tin từ ngày 10/4/2023 đến hết ngày 30/5/2023. Kết quả hành trình dự kiến sẽ được công bố vào tháng 6/2023 và gửi công văn thông báo đến các địa phương trong cả nước. TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 sẽ được công bố và cấp bằng chứng nhận TOP cùng huy hiệu trong sự kiện Hội ngộ TOP Việt Nam gần nhất năm 2023. 

 

Mọi thông tin xin liên hệ xin gửi về:

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS) - TRUNG TÂM TOP VIỆT NAM (TOPPLUS)

 Địa chỉ: 148 Hồng Hà, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh 

Liên hệ: Ms Phi – 0333 108 555

Email: 

Website: www.kyluc.vn/ www.topplus.vn

 

 

Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, nguồn hình Internet)


content 1 mobi
content1
content 2 mobi
content 2
ct3
ct4
ct5
ct6
ct7
ct8
ct9
ct10
ct11
ct12
ct13
ct14