Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp sĩ phu yêu nước, đã lựa chọn con đường đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược bằng tư tưởng, lấy văn thơ làm phương tiện. Ông được nhân dân khâm phục cả về tài năng và ý chí vươn lên, trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Hầu hết các tác phẩm của ông đều viết bằng chữ Nôm với hai giai đoạn trước và sau kháng chiến Nam Kỳ lục tỉnh, thể hiện tính chiến đấu và nỗi lòng trăn trở cho vận mệnh dân tộc, tình yêu thương con người.

Tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc… Tất cả đều toát lên tinh thần chống Pháp và nhà nước phong kiến đương thời, thể hiện ước mơ đất nước được giải phóng và tình yêu với những người dân trước cảnh nhà tan, nước mất. Đánh giá về ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Thơ, văn tế Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước và than khóc những liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật sinh động và não nùng tình cảm của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cầy cuốc, bỗng chốc trở thành những người anh hùng cứu nước”. Với công lao to lớn ấy của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhân dân và đất nước đã xây dựng khu tưởng niệm ngay tại khu lăng mộ ông tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu là một quần thể kiến trúc bề thế tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000 gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972. Công trình bao gồm: cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ.

Cổng tam quan khu lăng mộ mang phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa Việt Nam với hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan chắc chắn, kiên cố, sơn màu đỏ gạch.

Nhà bia được xây dựng kiên cố cách đây không lâu với kiến trúc truyền thống, cao 12m, hai tầng mái. Tường ngoài trang trí hoa văn hoa lá cách điệu, tường trong đắp nổi tứ linh. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng bút lông. Giữa lòng nhà là tấm bia bằng đá có kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Mặt trước bia là bài văn ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu và mặt sau tóm tắt tiểu sử của ông.



Đền thờ mới được xây dựng năm 2000 - 2002 theo mẫu kiến trúc trùng thiềm điệp ốc. Đền có chiều cao 21m, chất liệu bê - tông cốt thép nhưng mái là ngói âm dương và trang trí trên tường hoàn toàn là hoa văn truyền thống với những điểm nhấn thể hiện sự thanh cao, trong sáng của nhà thơ yêu nước. Đền thờ có hai tầng. Tầng dưới là nơi trưng bày hình ảnh các vị lãnh đạo, đoàn khách quốc tế, nhân dân cả nước đến viếng và thắp hương. Tầng trên là chân dung nhà thơ, được đúc bằng đồng, cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên 4 cột trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ, chạm trổ hoa văn tinh xảo, trong đó có hai câu thơ của ông trong tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
Bên cạnh đó là đôi câu đối của nhân dân ca tụng ông: “Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê”.

Hai bên tượng thờ là hai mảng phù điêu, miêu tả hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu đọc bài văn tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong tại chợ Đập (Ba Tri) năm 1883 và hình ảnh trận đánh đầu tiên của người giáo làng Phan Ngọc Tòng lãnh đạo nghĩa quân với vũ khí thô sơ chiến đấu với Pháp ở Giồng Gạch (An Hiệp) khi chúng hành quân lấn chiếm vùng đất Ba Tri vào đêm 17-11-1868.

Đền thờ cũ được xây dựng năm 1972 với kiến trúc hai tầng mái, lợp ngói âm dương, với tổng diện tích 84m2. Bờ nóc đền thờ trang trí hoa văn rồng, mây cách điệu. Bên trong là ban thờ. Hai cột chính đắp nổi hai câu thơ như ở đền mới, trong tác phẩm Dương Tử - Hà Mậu. Ngoài ra là những hình ảnh, tư liệu về các thủ lĩnh, nghĩa quân và một số phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ cuối thế kỷ 19.

Khu mộ phần được tôn tạo năm 1958, gồm phần mộ nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và con gái cụ là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Ánh) - cũng là một nữ sĩ, Chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam, đó là tờ Nữ giới chung.

Các công trình của khu di tích được bố trí hài hòa trong một không gian xanh với những khoảng sân vườn rộng trồng nhiều loại cây cảnh, đem lại cảm giác thư thái cho người thăm viếng.
Đây cũng là nơi trưng bày quyển Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển – tác phẩm được WorldKings công nhận là "Quyển thơ “Nguyễn Đình Chiểu Thi Tuyển” viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất thế giới". Quyển sách dày 209 trang, được tác giả chế tác thủ công trên nền giấy xuyến chỉ, viết thư pháp chữ Việt. Sách hoàn thiện với kích thước 180cm x 140cm x 25cm, nặng khoảng 500kg. Sách được đóng trong vỏ hộp gỗ sồi phối gỗ gõ đỏ, bìa chạm nổi chân dung cụ Đồ Chiểu, chân đế đỡ bằng sắt. Nội dung sách gồm hai phần chính:
- Nguyễn Đình Chiểu danh tác (các tác phẩm của cụ Đồ Chiểu)
- Ngưỡng vọng Nguyễn Đình Chiểu (tuyển tập thơ của các thế hệ sau viết về Nguyễn Đình Chiểu).
Đồng thời, sách kèm theo 9 trang tranh trang trí gồm: Bức thư pháp chữ Đạo được điêu khắc nổi, dát vàng; biểu tượng cảm hứng từ 2 câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”… Cuốn sách được Tỉnh Bến Tre trân trọng tiếp nhận và hiện được trưng bày tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre để đông đảo người dân và du khách được tham quan.
(7).jpg)
Năm 1990, khu lăng mộ của ông đã được nhà nước công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, Khu di tích này tiếp tục được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng công nhận Khu di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
-----------------------------------------------------------------------
Hành trình tìm kiếm và đề cử TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai từ đầu tháng 4/2023 dưới tiêu chí và góc nhìn của Ban quản lý hành trình Top. Đây là tiền đề cơ sở để Trung tâm Top Việt nam tìm kiếm và vinh danh 100 điểm đến hấp dẫn nhất của 63 tỉnh thành Việt Nam năm 2023. Ngoài ra, Ban quản lý hành trình cùng mong muốn nhận thêm được nhiều đề cử từ các sở ban ngành địa phương trên cả nước để có thể chọn lựa những điểm đến đặc sắc nhất của khắp mọi miền tổ quốc. Từ đó tăng cường xúc tiến du lịch, góp phần quảng bá các điểm đến của các địa phương.
Mỗi tuần, các bài đề cử sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống các trang truyền thông chính thức của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings như: kyluc.vn; topplus.vn; bestplus.vn;... Ban quản lý hành trình rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi của bạn đọc trong và ngoài nước nhằm tiếp tục quảng bá và tôn vinh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
Mọi thông tin phản hồi xin gửi về Ban quản lý hành trình qua email: . Thời gian nhận thông tin từ ngày 10/4/2023 đến hết ngày 30/5/2023. Kết quả hành trình dự kiến sẽ được công bố vào tháng 6/2023 và gửi công văn thông báo đến các địa phương trong cả nước. TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 sẽ được công bố và cấp bằng chứng nhận TOP cùng huy hiệu trong sự kiện Hội ngộ TOP Việt Nam gần nhất năm 2023.
Mọi thông tin xin liên hệ xin gửi về:
TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS) - TRUNG TÂM TOP VIỆT NAM (TOPPLUS)
Địa chỉ: 148 Hồng Hà, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh
Liên hệ: Ms Phi – 0333 108 555
Email:
Website: www.kyluc.vn/ www.topplus.vn
Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, nguồn hình Internet)