TOP 50 Kỷ lục châu Á trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam (P.23): Gỏi sầu đâu – Độc đáo vị đắng miền sông nước

07-04-2023

(VietKings-kyluc.vn) – Nằm ở phía Tây Nam Tổ Quốc, An Giang là vùng đất có văn hóa đời sống đa dạng, pha lẫn giữa người Kinh, người Khmer, người Việt, người Hoa… Chính sự đa dạng trong văn hóa đời sống đã làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực An Giang. Nổi tiếng ở An Giang có các món đặc sản như thốt nốt, gỏi sầu đâu, bò cạp Bảy Núi, mắm Châu Đốc, Tung lò mò (lạp xưởng bò)… Trong đó, gỏi sầu đâu là món ăn dân dã được nhiều du khách yêu thích khi du lịch đến An Giang.

Với người dân xứ An Giang, sầu đâu là "lộc trời cho"; bởi sầu đâu tự mọc, tự lớn, tự đơm hoa kết trái, chẳng cần ai chăm sóc. Đó là loại cây thân cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát; hoa ít đắng hơn và thơm. Hằng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Người dân thường hái lá sầu đâu (đọt non lẫn nụ hoa) để ăn và bán. Bẻ hết đợt lá này, đến đợt lá khác, bao thế hệ tiếp nối vòng quay cuộc sống mà sầu đâu vẫn vững vàng ban tặng đặc sản cho con người.

 

 

 

 

Vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Thời điểm này, nhiều người nông dân vùng biên giới An Giang tất bật hái lá sầu đâu, mang ra bán tại các chợ quê. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng, có vị đắng, hậu ngọt, tính mát. Người mới ăn sầu đâu có thể cảm thấy khó ăn vì đắng, nhưng thực tế những món ăn được chế biến từ lá sầu đâu đều là đặc sản của An Giang. Theo nhiều nghiên cứu, cây sầu đâu có thể chữa được 40 loại bệnh khác nhau. Ngoài tác dụng chữa bệnh, lá sầu đâu còn là nguyên liệu chính để làm món gỏi sầu đâu - đặc sản nổi tiếng tỉnh An Giang. 

 

 

 

 

Nguyên liệu để làm món gỏi này gồm lá và hoa của cây sầu đâu, thịt ba rọi, khô cá sặc hoặc khô cá lóc, dưa leo, cà chua, xoài sống, thơm (dứa), ớt và không thể thiếu nước mắm me ... Người ta thường trụng lá và hoa sầu đâu vào nước sôi cho bớt vị đắng rồi để ráo nước. Khi trụng nên cho thêm một ít muối vào để lá được xanh và trông đẹp mắt. Khô cá sặc có thể nướng hoặc chiên, sau đó đem xé nhỏ, không lấy xương. Thịt ba rọi rửa thật sạch rồi đem luộc và thái mỏng vừa ăn. Ngoài ra, người ta còn trộn thêm xoài sống, dưa leo, cà chua, ... Cuối cùng, có thêm một ít rau thơm, ngò rí, củ hành xắt lát, tỏi, ớt ... để tăng thêm sự phong phú về mùi vị.

 

 

 

 

Nước chấm được dùng cho món gỏi này là nước mắm me. Nước mắm me được chế biến khá công phu. Đổ ít nước sôi vào me chín rồi lọc lấy nước cốt. Nước cốt me được pha với nước mắm nhĩ, trộn thêm đường, tỏi và ớt băm nhuyễn. Nước mắm me hài hòa giữa các vị mặn, ngọt, chua, cay.

 

 

 

 

Gỏi sầu đâu không chỉ là đặc sản An Giang nổi tiếng mà còn là một món ăn vị thuốc bổ ích. Theo tìm hiểu, các bộ phận trên cây sầu đâu từ vỏ, lá, quả và gỗ đều có chất đắng giúp chữa giun rất tốt. Ngoài ra, từ lâu cây sầu đâu đã được người Ấn Độ sử dụng làm thuốc chống viêm, kháng khuẩn, chữa sốt rét và nhiều bệnh khác. Riêng nước sầu đâu dùng uống có thể chữa các bệnh về răng miệng như viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, viêm khớp.

Người mới ăn món sầu đâu khô sặc lần đầu có thể thấy hơi đắng, nhưng khi nhai kỹ thì sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh trong cuống họng. Một món ăn không hề cầu kỳ được làm từ những thành phần vô cùng quen thuộc sẽ khiến ai đã thử qua càng ăn lại càng nghiện, mà càng nghiện lại càng yêu hương vị dân dã này của người miền tây nam bộ chất phác, thật thà.

 

 

 

 

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã quyết định đề cử gỏi sầu đâu vào 10 món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng nổi tiếng của Việt Nam lần III (2021 - 2022) đến Tổ chức Kỷ lục Châu Á. Cuối năm 2022Gỏi sầu đâu đã chính thức được công nhận đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định. 

 
 

Diệu Phi (VietKings)


content 1 mobi
content1
content 2 mobi
content 2
ct3
ct4
ct5
ct6
ct7
ct8
ct9
ct10
ct11
ct12
ct13
ct14