(Vietkings.Values 2018) Hành trình quảng bá Kỷ lục Việt Nam (P.116) Tìm lại ký ức xưa tại Vinahouse Space – Không gian nhà cổ Việt Nam

17-07-2018

Với ý tưởng tái hiện và lưu giữ các ngành nghề truyền thống một cách sống động và đặc sắc trong những không gian nhà cổ được sưu tầm và phục dựng khá nguyên vẹn, Vinahouse Space – Không gian nhà cổ Việt Nam được biết đến như một quần thể kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa của xứ Quảng và nhiều vùng miền trên đất nước. Đây là Khu du lịch hiện sở hữu nhiều Kỷ lục Việt Nam.

Khu du lịch Không gian nhà Việt – Vinahouse Space là một trong những địa điểm thăm quan du lịch Quảng Nam hấp dẫn dành cho du khách. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc mang đậm nét truyền thống Việt Nam mà còn được tận hưởng không khí yên bình của làng quê đất Việt.

 

 

Toàn cảnh khu du lịch Không gian Việt Vinahouse Space

 

Toàn cảnh khu du lịch Không gian Việt – Vinahouse Space (Ảnh sưu tầm)
 

 

Cổng vào khu du lịch

 

Cổng vào khu du lịch (Ảnh sưu tầm)

 

Vinahouse Space nằm bên quốc lộ 1A, tuyến đường nối liền hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn – Hội An, cách Tam Kỳ (Quảng Nam) 45km về phía Bắc và cách ��à Nẵng 25km về phía Nam. Được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 13/6/2013, Khu du lịch nhà cổ Việt Nam được chia thành 3 không gian khác nhau gồm: không gian Bảo tàng, không gian Làng nghề truyền thống và Không gian Văn hóa ẩm thực. Mỗi không gian là một màu sắc riêng, mang đến sự êm đềm và thơ mộng cho du khách, gợi nhớ về những nếp  nhà Việt xưa cũ.

Trong đó, Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt được xây dựng với quần thể 18 nếp nhà cổ xưa độc đáo nhất của người Việt và 15 công trình kiến trúc được phục dựng trở lại nguyên vẹn với quy mô khác nhau thể hiện chiều sâu văn hóa của người Việt trên cả nước. Toàn cảnh Bảo Tàng là dạng hình cánh cung có diện tích hơn 11.000 m2 được quy hoạch thiết kế dạng nấc cấp với thế tựa lưng vào núi. Bảo tàng hiện có hơn 15.000 hiện vật được trưng bày trong các gian nhà 5 gian - 2 chái; 3 gian - 2 chái và một hành lang dài hơn 50 mét. Đây là Bảo tàng Kiến trúc nhà Cổ Việt lớn nhất Việt Nam được ghi nhận Kỷ lục.

 

 

 

 

Ở địa điểm du lịch này, du khách có thể bắt gặp rất nhiều biểu tượng kiến trúc Việt cổ một thời mang giá trị lịch sử và văn hóa to lớn như: Nhà nón, Ngôi nhà một gian hai chái cổ lầu miền Bắc, nhà năm gian hai chái kép, tam gian tứ hạ, nhà tranh tre một gian hai chái của Quảng Nam…

Nhà nón được lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh chiếc nón lá bình dị, mộc mạc gắn liền với hình ảnh làng quê Việt Nam. Vinahouse đã thực hiện ngôi nhà có kiến trúc hình chiếc nón để gửi gắm thông điệp về sự độc đáo, thanh thoát, toát lên bản sắc văn hóa Việt.
 

 
 
Nhà nón có đường kính 27,1m, cao 12,03m được bọc gỗ từ trên múi đến các cột đỡ, sử dụng trên 2 triệu mảnh gáo dừa ghép lại. Để công trình bền vững, các cấu kiện được trụ vững trên cột thép chữ I, tạo không gian thoáng mát, rộng rãi. Kết cấu mái theo hình chóp nón, có khả năng chống nhiệt và cách âm vói khung đỡ chắc chắn, đặc biệt, mái nhà được làm từ vật liệu là mảnh gáo dừa được các nghệ nhân cắt, đan xếp nhau theo hình vảy cá được kết kính tỉ mỉ, mang tính thẩm mỹ cao. Đây là Ngôi nhà sinh thái theo mô hình chiếc nón có mái lợp bằng gáo dừa lớn nhất Việt Nam được xác lập Kỷ lục Việt Nam.
 
Ngoài ra, các công trình kiến trúc khác cũng được phục dựng như nhà ba gian hai chái vỏ cua, nhà bát giác cung đình Huế, nhà bánh ú Quảng Trị… Mỗi nơi mang một vẻ độc đáo, đặc sắc riêng.
 

 

Nhà vọng nguyệt bát giác Huế

 

Nhà vọng nguyệt bát giác Huế (Ảnh sưu tầm)

 

Trong số những công trình kiến trúc tiêu biểu ở điểm đến Hội An này, du khách rất thích thú với ngôi nhà cổ tam gian tứ hạ Quảng Nam đã 200 năm tuổi. Nơi đây mang kiến trúc cực kỳ độc đáo và được UNESCO nhận xét là ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Trung.

Nhà tam gian tứ hạ Quảng Nam được sưu tầm từ nhà của cụ bà Trần Thị Thao thôn Đại Phú, Đại Lộc, Quảng Nam, là căn nhà duy nhất tại Quảng Nam có kích thước lớn nhất cũng như số cột nhiều nhất - 108 cây cột. Trước khi được phục dựng tại Vinahouse Space, ngôi nhà đã trải qua 6 đời, trùng tu hai lần, gần nhất vào năm 1982 (thay rui, lợp ngói). Ngôi nhà có chiều rộng là 12,21m, dài 17,42m, cao 5m, số cột 108 cột (76 cột trong nhà, 32 cột đỡ mái che quanh nhà).
 

 

 

 

Ngôi nhà này được xây dựng theo kiểu nhà ”Tam gian Tứ hạ” nghĩa là 3 gian (tam gian) nhưng có 4 mái (giọt gianh) được hạ thấp xung quanh, cốt nền bên ngoài thấp hơn cốt nền bên trong 0,37m, vì vậy gọi là Tứ hạ.

 

 

Ngôi nhà cổ tam gian tứ hạ Quảng Nam 200 năm tuổi

 

Ngôi nhà cổ tam gian tứ hạ Quảng Nam 200 năm tuổi (Ảnh sưu tầm)

 

Nếu có dịp tận mắt chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ này, du khách mới thấy hết được sự tài ba của những người thợ Việt xưa. Họ đã tạo nên một cấu trúc nhà rất giá trị cho kiến trúc nhà ở. Bên cạnh quy mô rộng lớn, ngôi nhà còn mang nét khác biệt với nghệ thuật điêu khắc chạm gỗ công phu tỉ mỉ, với những họa tiết cách điệu độc đáo.

Tại đây còn có Nhà tranh tre thuần Việt được phục dựng theo phong cách cổ nhất lập Kỷ lục Việt Nam.

Ngôi nhà này đã được Vinahouse Space phục chế từ ngôi nhà của bà Phạm Thị Số ở thôn Bồng Lai – xã Điện Minh – huyện Điện Bàn – Quảng Nam. Căn nhà theo kiểu 1 gian 2 chái có diện tích khoảng 70 m2 được những người thợ có tay nghề ở Quảng Nam phục dựng nguyên mẫu gồm "bộ chuồng cu" với cột, kèo, xiên, trính bằng gỗ mùn, còn rui, mè, đòn tay... tất cả đều làm bằng tre, bên trên mái lợp tranh, vách nhà được dựng bằng tấm phên tre. Bên dưới nền nhà bằng đất sét đầm chặt, ngoài sân lót gạch. Đặc biệt, các vật dụng trong nhà như giường, bàn, thúng, mủng, cối xay, cối giã, bồ, ghe và bếp nấu củi còn lưu giữ nguyên vẹn. Ngôi nhà có niên đại 102 năm tuổi nhưng vẫn mang vẻ đẹp thuần Việt nhẹ nhàng và tính kiến trúc độc đáo.

 

 

 

Trong nội thất với không gian mộc mạc dân dã này, còn trưng bày thêm những đồ gia dụng mà một ai đó trong chúng ta đã từng sống chung và sử dụng: Giường tre, ghe, nơm, giỏ đựng cá, giỏ vịt, võng tre… và rất nhiều vật dụng, nông cụ khác của người Việt cổ.

 

 

 

Hồ khảm sành có kiến trúc độc đáo tại Vinahouse Space được ghi nhận Kỷ lục năm 2014

 

Vinahouse Space cũng chính là nơi vinh danh các nghệ nhân làm Mì Quảng. Tại đây, có không gian riêng để bảo tồn những vật dụng ngày xưa của cha ông như: Cối đá có nguồn gốc tại Thánh địa Mỹ Sơn, nồi tráng mì bằng đồng của Làng nghề đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng hay những chiếc bát con gà độc đáo…

 

 

 

 

Cùng với bảo tàng kiến trúc nhà cổ, bảo tàng nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng là điểm không thể bỏ qua trong quá trình tham quan nơi này. Hàng nghìn hiện vật cổ như những minh chứng sống cho bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân xưa. Du khách có thể chiêm ngưỡng những bức phù điêu độc đáo miêu tả đời sống của một gia đình nông thôn Việt Nam như bức phù điêu người cha đang tát nước, người mẹ cấy lúa… Đặc biệt, những bức phù điêu này được sáng tạo từ những viên gạch cổ – vật liệu xây dựng được tạo ra theo cách thủ công từ đất sét mà cha ông ta đã từng dùng để làm nhà.

 

 

khong-gian-nha-co-viet-vinahouse-space-quang-nam-gin-giu-net-dep-van-hoa-la-trach-nhiem-voi-toan-xa-hoi 1

 

Du khách tham quan các nghệ nhân làm mộc trong Vinahouse

 

Cách trưng bày kết hợp các ngành nghề truyền thống trong không gian nhà cổ là nét độc đáo tạo nên sự khác biệt và trở thành điểm nhấn cho Vinahouse Space. Đồng thời cũng là minh chứng về lịch sử sáng tạo và lao động nghệ thuật của người Việt Nam. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa cũng là  trách nhiệm lưu giữ nét văn hóa thuần Việt cho thế hệ mai sau, góp phần tái hiện lại nền kiến trúc cổ gắn liền với môi trường thiên nhiên và hoàn cảnh kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Qua đó, giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tinh túy, đ��c đáo lâu đời của người Việt

 

 

Có thể nói không gian nhà Việt Nam là một chốn dừng chân lý tưởng để du khách có dịp tìm về ký ức xưa trong tâm thế “ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng”, thương nhớ một thời với bóng mẹ cha bên hiên nhà, bạn bè trong ngõ vắng, bên triền sông của thời thơ ấu để soi lại chính mình, yêu mãi "hơi thở" làng quê Việt Nam.

 

Theo Kyluc.vn (Tổng hợp thông tin và hình ảnh)


 

content 1 mobi
content1
content 2 mobi
content 2
ct3
ct4
ct5
ct6
ct7
ct8
ct9
ct10
ct11
ct12
ct13
ct14